Erik ten Hag và những điều cần lưu ý về giấc mơ 'Hà Lan hóa'
Từ khi trở thành tân HLV trưởng của Man United, nhiều nguồn tin cho rằng sẽ có một 'cơn bão da cam' đổ bộ đến Old Trafford.
Những tin đồn chuyển nhượng xoay quanh Nhà hát của những giấc mơ chưa bao giờ yên ắng. Đặc biệt hơn nữa là từ khi công bố HLV Erik ten Hag cho chiếc ghế HLV trưởng và các động thái tái thiết đội hình khiến bầu không khí chuyển nhượng tại Man United sôi nổi hơn bao giờ hết.
Rất nhiều ngôi sao được cho rằng sẽ quay về hội ngộ với ông thầy cũ có thể kể đến là Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt, Jurrien Timber, Sven Botman. Không khó để giải thích vì sao những những cầu thủ người Hà Lan từng được dẫn dắt bởi HLV Erik ten Hag nằm trong danh sách chuyển nhượng của MU.
Triết lý lối chơi
Cựu HLV Ajax đã xây dựng đội bóng thủ đô Amsterdam dựa trên nền tảng thứ bóng đá tổng lực (total football) đặc sản trứ danh của 'những cơn lốc màu da cam'. Trong xuyên suốt chiều dài lịch sử, người Hà Lan luôn tự hào với triết lý 'tấn công là cách phòng ngự tốt nhất' bóp nghẹt đối thủ. Thay đổi để phù hợp với bóng đá hiện đại, ten Hag được cho là nâng tầm total football một cách khoa học hơn.

Việc áp dụng chiến thuật đặc trưng của bản thân lên đội bóng mới và vận hành nó một cách trơn tru chưa bao giờ là dễ, ngay cả Man City của Pep Guardiola hay Liverpool của Jurgen Klopp cũng gặp không ít những chệch choạc trong những ngày đầu vận hành.
Thế nên sẽ chẳng có gì khó hiểu khi các HLV thường mang về những cầu thủ vốn có thể thấm nhuần lối chơi và tư tưởng bóng đá mà mình truyền đạt. Tương tự như Pep Guardiola khi còn dẫn dắt Bayern Munich từng khẳng định "Hoặc là mua Thiago, hoặc là không ai cả".
Có thể kể đến nữa là HLV Maurizio Sarri khi vừa mới đến Chelsea cũng tức tốc mang theo học trò cưng Jorginho - cầu thủ là trái tim trong lối đá Sarri-ball của ông.

Ten Hag cũng vậy, từ những bước đầu xây dựng lối chơi tại MU, ông cần những cầu thủ hiểu rõ phong cách lối chơi trong chiến thuật của ông. Và tất nhiên sẽ chẳng ai hiểu ông hơn những cậu học trò từng được dẫn dắt tại Amsterdam, hay rộng hơn là những người mang trong mình dòng máu của cơn lốc màu da cam.
'Hội đồng hương'
Không ít lần trong chiều dài lịch sử tại Ngoại hạng Anh, các HLV xây dựng đội hình theo bộ khung các cầu thủ có cùng quốc tịch.
Từng có 1 Arsenal 'Pháp hóa' được xây dựng dưới bàn tay của Arsene Wenger. Không khó để nhớ những học trò đồng hương của 'Giáo sư' như William Gallas, Bacary Sagna, Laurent Koscielny, Kieran Gibbs hay Samir Nasri,...
Newcastle United dưới triều đại của HLV Alan Pardew cũng từng sở hữu bộ khung người Pháp với những cái tên đáng chú ý như Yohan Cabaye, Moussa Sissoko, Mathieu Debuchy, Loic Remy và Hatem Ben Arfa.
Gần đây nhất Wolverhampton gây ấn tượng mạnh khi trình làng NHA một 'Bồ Đào Nha thu nhỏ' của Nuno Santo trong mùa giải 2020/21 với Joao Moutinho, Ruben Neves, Rui Partricio, Nelson Semedo hay Daniel Podence là những cá nhân nổi trội.

Lý giải bằng nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là về vấn đề ngôn ngữ và quốc tịch. Các HLV muốn các học trò dễ dàng tìm ra tiếng nói chung ngay cả trong và ngoài sân cỏ để tăng tính gắn kết đội bóng.
Giống với Pep Guardiola, tính kết dính và giữ ổn định bộ khung đội hình suốt trận đấu là chìa khóa quan trọng nhất trong lối chơi của HLV Erik ten Hag. Vì vậy, chiến lược gia 52 tuổi đang muốn sử dụng các cầu thủ đồng hương như là chất kết dính cho tập thể đang rời rạc của Man United.
Thống kê đáng quan ngại
Tuy nhiên, văn hóa truyền thống của MU nói riêng và các đội bóng lâu đời tại Ngoại hạng Anh nói chung là bảo lưu hàng nội. Các cầu thủ người Anh thường được BLĐ ưu ái hơn nên giấc mơ của ten Hag khó có thể xảy ra.
Liên đoàn bóng đá Anh còn tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ của Tam Sư bằng cách ban hành luật 'Home-grown' để khuyến khích các đội bóng nước anh sử dụng cầu thủ 'cây nhà lá vườn'. Do đó, muốn Hà Lan hóa MU thì ten Hag cũng nên chú trọng đến đào tạo trẻ ngay từ giai đoạn này.
Trong lịch sử của MU, có tổng cộng 13 cái tên người Hà Lan được thi đấu trong màu áo Quỷ đỏ. Tuy nhiên, thành tựu của họ ở sân vận động Old Trafford thành công thì ít, thất bại thì nhiều.
Chỉ có 4 cái tên nổi bật đến từ Hà Lan được xem là thành công tại Old Trafford là Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy, Edwin van der Sar và Robin van Persie.
Podcast





Bản hợp đồng gần đây nhất đồng thời là học trò cũ của ten Hag, Donny van de Beek cũng hoàn toàn mờ nhạt. Không chen chân được vào kế hoạch của các HLV tiền nhiệm, van de Beek bị đẩy sang Everton theo bảng hợp đồng cho mượn hồi tháng giêng. Thậm chí anh còn được cho là đang cố tìm cách đào thoát khỏi Nhà hát của những giấc mơ.
Tuy nhiên, việc Erik ten Hag có mặt tại Man United mở ra cơ hội cho van de Beek 'yêu lại từ đầu' với Man United. Ông thầy người Hà Lan sẽ phải ra sức chứng minh và thuyết phục đội bóng thành Manchester bằng thứ bóng đá Hà Lan hiện đại, giữ nguyên bản sắc tấn công tổng lực nhưng vẫn đầy sự toan tính khoa học.
Mùa chuyển nhượng vẫn chưa bắt đầu, chưa có thông tin chính xác ai đến, ai đi và MU sẽ ra sân với đội hình như thế nào. Người hâm mộ Quỷ đỏ cũng chưa hình dung được mùa giải sắp tới MU sẽ như thế nào, hồi sinh mạnh mẽ hay lại là một hi vọng vụt qua. Tuy nhiên, người hâm mộ có quyền hi vọng về 1 kỷ nguyên mới tại Nhà hát của những giấc mơ.

Cầu thủ được xem là con 'quái thú' nơi tuyến giữa tỏ ra vô cùng bất mãn khi không được đá chính thường xuyên tại MU.

Với vị thế hiện tại, đoàn quân HLV Pep Guardiola gần như nắm chắc phần thắng trước đội bóng cùng thành phố.

"Gã khổng lồ" xứ Catalan đang tìm mọi cách để có thể tái hợp Messi, huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử của họ.

Trên thực tế, có thể xem HLV Erik Ten Hag là tác nhân dẫn đến quyết định từ chức của Edwin van der Sar.
Bài Liên Quan