Bạo lực giải đấu trẻ: Bốc đồng tuổi trẻ và hồi chuông cảnh tỉnh

Những hình ảnh chưa đẹp, các tình huống bạo lực vẫn xuất hiện liên tục trong các giải trẻ quốc gia hiện tại.

Bóng đá Việt Nam đang trong định hướng phát triển bền vững sau những cú hích từ thành tích tốt của các ĐTQG. Các giải đấu chuyên nghiệp thu hút khán giả nhiều hơn và sự quan tâm cho hệ thống các giải đấu trẻ quốc gia cũng từ đó cộng hưởng theo.

Những chồi non bóng đá Việt không có quá nhiều cơ hội để thi đấu cọ xát. Những giải quốc gia từ U15, U17, U19 và U21 vẫn chưa đủ để các em rèn luyện và thể hiện mình. Song, ở thời điểm hiện tại khi tạm gác vấn đề chuyên môn lại thì một nỗi lo đang hiện hữu chính là tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở các giải trẻ quốc gia.

Trong phạm vi bài viết ngày hôm nay, chúng tôi chỉ điểm lại những sự việc nổi cộm ở các giải U17 và U19 quốc gia trong năm 2023 mà thôi. Đầu tiên là vụ lùm xùm diễn ra ở trận đấu giữ U17 Viettel và U17 PVF tại lượt trận thứ 4 bảng A vòng loại U17 quốc gia. Những pha vào bóng quyết liệt trên mức cần thiết đã kéo theo những xô xát, lời qua tiếng lại của nhiều nhân vật chức trách trên sân.

Bạo lực giải đấu trẻ: Bốc đồng tuổi trẻ và hồi chuông cảnh tỉnh
Sự việc lùm xùm sau trận U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và U17 Huế.

Tiếp theo là ở trận tứ kết giữa U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và U17 Huế. Màn ăn mừng thái quá của một cầu thủ Hà Tĩnh trước thủ môn Huế suýt nữa đã dấy lên một sự việc ngoài ý muốn.

Và mới đây là hành động không thể chấp nhận của cầu thủ Mai Quốc Tú của U19 SHB Đà Nẵng trong trận gặp U19 Tây Ninh vào chiều ngày 24/04 vừa qua. Tình huống số 20 vung thẳng chân cố tình đạm vào người của cầu thủ Trần Minh Hy (khi cầu thủ Tây Ninh đã nằm sát xuống sân). Tình huống quay chậm cho thấy Quốc Tú có quan sát và vẫn quyết định xuống chân thô bạo. Có lẽ tấm thẻ đỏ chưa là án phạt cuối cùng mà tuyển thủ U17 Việt Nam phải nhận sau tình huống này.

Pha bóng này như một hồi chuông cảnh tỉnh thật sự cho công tác đào tạo trẻ của các CLB, nhất là khâu giáo dục đạo đức cầu thủ. Dẫu biết các cầu thủ trẻ không khỏi xốc nổi, bốc đồng và háo thắng khi tham gia thi đấu ở các giải quốc gia. Tuy nhiên các em cần ý thức được những giới hạn ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và hiểu về những hậu quả khôn lường nếu không giữ được bình tĩnh. Khi đã chấp nhận đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp thì phải nỗ lực để đạt được những tiêu chuẩn đó.

Bạo lực giải đấu trẻ: Bốc đồng tuổi trẻ và hồi chuông cảnh tỉnh
Tình huống bạo lực của Mai Quốc Tú là hồi chuông cảnh tỉnh.

Để cải thiện được một vấn đề không thể một sớm một chiều và cần sự chung tay của nhiều nhân tố. Từ chính cá nhân từng cầu thủ, các HLV và BTC giải. Tất cả vì mục tiêu chung là đưa bóng đá Việt Nam phát triển hơn và chinh phục những mục tiêu cao hơn.